NỮ ANH HÙNG LIỆT
SĨ NGUYỄN VIỆT HỒNG
Chị Nguyễn Việt Hồng sinh ngày 14/ 07/1950
tại xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Hậu Giang) trong
một gia đình cách mạng. Cả cha và mẹ đều tham gia kháng chiến chống thực dân
Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Cha chị bị địch bắt và đã anh dũng hy sinh trong
tù. Lớn lên trong hoàn cảnh quê hương đất nước bị đế quốc giày xéo, nên chị đã
sớm có hoài bão được đi đánh giặc.
Tấm ảnh chân dung may mắn tìm được của Nguyễn Việt Hồng.
Năm 1961, Nguyễn Việt Hồng tình nguyện làm hộ
lý ở một bệnh viện vùng giải phóng, chăm sóc các cô chú thương bệnh binh. Sau
đó chị được cấp trên cho đi học ở Trường văn hóa Lý Tự Trọng. Tổ chức dự định
sẽ đào tạo chị làm công tác báo chí, nhưng chị chỉ mơ ước được trực tiếp chiến
đấu để trả thù cho cha, giành lại độc lập tự do cho quê hương, Tổ Quốc. Cuối năm
1967, Nguyễn Việt Hồng được tổ chức điều về công tác tại thị xã Sóc Trăng, bổ
sung cho lực lượng nội thành phục vụ cho việc nắm tình hình địch và chuyển thư
từ đến các cơ sở hợp pháp của ta. Đầu năm Mậu Thân (1968) khi cuộc tổng tiến
công và nổi dậy của quân và dân thị xã diễn ra, với nhiệm vụ giao liên, Nguyễn
Việt Hồng hăng hái dẫn đường đưa bộ đội tiến sâu vào sào huyệt của địch, tham
gia tiếp lương, tải đạn, vận chuyển thương binh … Cũng trong năm ấy, chị được
kết nạp vào Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam. Cuối năm 1968, Nguyễn
Việt Hồng được Khu ủy chuyển về làm đội trưởng giao liên vùng một Cần Thơ, giữ
trọng trách nối liên lạc từ căn cứ của Thành ủy vào nội thành. Ngày 12/
03/1969, Nguyễn Việt Hồng cùng đồng đội nhận nhiệm vụ đặt mìn đánh cư xá Mỹ
trên đường Quang Trung. Mìn đã được đặt vào vị trí an toàn, nhưng không may đến
giờ hẹn mà mìn lại không nổ. 05 giờ sáng ngày 13/ 03/1969, vì sợ lộ điểm đánh,
chị kiên quyết trở lại gỡ mìn đem về sửa chữa để tiếp tục đánh. Trên đường mang
mìn về không may mìn nổ dữ dội trước cư xá Mỹ, Nguyễn Việt Hồng bị thương nặng
và ngất đi. Đến 10 giờ sáng bọn giặc đưa chị vào nhà thương Thủ Khoa Nghĩa để
chữa trị và âm mưu khai thác tìm ra đầu mối cơ sở cách mạng. Trong năm ngày ở
bệnh viện, bọn giặc đã dùng mọi thủ đoạn từ dụ dỗ, mua chuộc đến dùng vũ lực để
trấn áp, hăm dọa nhưng không làm lung lạc được chị, mà ngược lại chúng chỉ nhận
được ở chị những lời lên án mạnh mẽ, đanh thép: - Tao thù Mỹ, tao giết Mỹ,
chúng mày đừng có nói gì thêm, muốn biết thì mổ bụng tao mà xem trái tim tao
nè. Mỹ cướp nước, giết cha mẹ tao, đồng bào tao, tao đánh Mỹ. Còn mày, mày là
tên tai say ác ôn đẫm máu, tao tiếc là chưa giết được bọn mày. Chiều ngày 16/
03/1969, một tên Mỹ nham hiểm, đến bên Nguyễn Việt Hồng dùng đòn tâm lý giả bộ
thăm hỏi sức khỏe chị. Bất thần Nguyễn Việt Hồng chồm dậy dùng tất cả sức lực
còn lại của mình sau năm ngày bị thương nặng không ăn uống gì chụp cắn vào tay
tên Mỹ đứng gần. Hắn hốt hoảng kêu cứu, bọn giặc xúm lại đánh chị bất tỉnh. Đến
02 giờ sáng ngày 17/ 03/1969, Nguyễn Việt Hồng đã anh dũng hy sinh. Người nữ
biệt động thành phố Cần Thơ trẻ tuổi Nguyễn Việt Hồng đã nêu cao tấm gương
chiến đấu kiên cường, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân
tộc. Sự hy sinh dũng cảm của chị khiến quân thù phải khiếp sợ. Tinh thần chiến
đấu anh dũng, ngoan cường của chị là tấm gương sáng ngời, là bài học sống động,
hào hùng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Ngày 10/02/1970, Chính phủ Cách mạng
lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam quyết định truy tặng Nguyễn Việt Hồng Huân
chương Chiến công giải phóng hạng nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang
nhân dân giải phóng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét